Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Lương y bất đáo gia (bàn về sinh hoạt phòng trung)


“Lương y bất đáo gia” (Thầy thuốc không có dịp đến nhà) là câu kết trong bài thơ chữ Hán thường được các vị có tuổi nhắc đi nhắc lại trong lúc trà rượu. Nguyên văn 4 câu thơ chữ Hán ấy là:
“Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh nhất trản trà,
Thất nhật dâm nhất độ,
Lương y bất đáo gia”
Nghĩa là: Sáng sớm uống một chén trà, nửa đêm uống ba chén rượu, 7 ngày một lần gặp phụ nữ, giữ đều như vậy, sức khỏe được bảo vệ, và thầy thuốc không có dịp đến nhà.
Nếu thực là một kinh nghiệm lâu dài được đúc kết thì chúng ta cần tìm hiểu để áp dụng. Nếu không, cũng phải đính chính để người sau đỡ mắc sai lầm. Cho nên trước hết cần tìm xem 4 câu thơ này có từ bao giờ? Tại sao rất nhiều người biết?
Hỏi lương y Nguyễn Trung Hòa, Chủ tịch Hội  Y học cổ truyền TP.HCM, chính lương y cũng chưa được đọc ở sách báo nào, nhưng cũng được nghe nhiều người nhắc lại và hỏi ý kiến về những điều khuyên trong 4 câu thơ truyền tụng đó. Lương y cho rằng về cơ bản, muốn giữ gìn sức khỏe, mỗi sáng sớm vẫn nên uống một chén nước trà, nửa đêm uống rượu, nhưng chỉ cần một chén thôi (không phải 3), và nửa tháng mới gần phụ nữ một lần (không phải mỗi tuần một lần). Lương y nhấn mạnh đến 3 chữ nhất (một), và riêng đối với chữ nhất thứ ba cần hạn chế hơn nữa vì trong thuật dưỡng sinh, sách của Y tổ Tuệ Tĩnh của nước ta đã viết:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Đó là lời nhắc nhở mọi người cần hạn chế tối đa lãng phí tinh dịch (bế tinh), giảm sự ham muốn (quả dục), luyện tập cơ thể (luyện hình) và tâm hồn thanh thản (thanh tâm)…
Mới đây, một lương y cho biết 2 trong 4 câu thơ trên kia có chép trong bộ sách “Minh tâm bửu giám” của Trương Vĩnh Ký in tại Sàigòn năm 1891, được in lại nhiều lần và bán ở khắp nước ta vào những năm 1930-1940 và được một số gia đình dùng làm sách dạy luân lý cho con cái trong nhà. Nhưng chỉ có 2 câu, đó là: 
“Lục nguyệt dâm nhất độLương y bất đáo gia”
(6 tháng gần phụ nữ một lần, thầy thuốc không có dịp đến nhà).
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà thông thái ở miền Nam, biết rất nhiều ngoại ngữ và viết rất nhiều sách phổ biến trong cả nước, đã tham gia một số hội và tổ chức khoa học của Pháp, nhưng Trương Vĩnh Ký chỉ viết và in MTBG vào năm 1891, nghĩa là vào năm 54 tuổi. Như vậy Trương Vĩnh Ký khuyên mọi người 6 tháng một lần gần phụ nữ là căn cứ sức khỏe và tuổi tác của bản thân. Khi dịnh học theo kinh nghiệm ghi trong sách phải nhớ đến hoàn cảnh của tác giả để vận dụng cho thích hợp với từng người, từng hoàn cảnh, mà kinh nghiệm này mới xuất phát từ một người,cho nên chỉ có giá trị tham khảo. (Thực ra Minh Tâm Bảo Giám là sách dịch, về nguồn gốc của nó xin xem  bài trên CTQ81, tr.22 - BT). 
Ta có thể khẳng định rằng 2 câu “bình minh nhất trản trà, bán dạ tam bôi tửu” cũng chỉ mới thêm,khiến người đọc tưởng rằng đó là những kinh nghiệm lâu đời, từ xa xưa truyền lại.
Trong thời gia vừa qua, chúng tôi có dịp đọc lại một số tài liệu đã viết và in thành sách nói rằng sinh hoạt tình dục đúng mức độ giúp ích cho sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho cả nam và nữ, còn nếu không biết giữ điều độ sinh hoạt tình dục thì tác hại gây ra không nhỏ. Người xưa đã nói: “Phòng trung chi sự năng sinh nhân, năng sát nhân”, nghĩa là sinh hoạt tình dục có thể sinh ra con người, mà cũng có thể làm chết người.
Và mức độ sinh hoạt ấy tùy thuộc vào độ tuổi cũng như vào sức khỏe từng người mà gia giảm khác nhau. Gia giảm như thế nào, thì mỗi tác giả có thay đổi chút ít. Ví dụ thầy thuốc nổi tiếng Tôn Tư Mạc (581-682) trong sách “Thiên kim yếu phương” (những đơn thuốc quý như vàng) đã đề xuất mức độ như sau: Tuổi 20 (từ 20-29 tuổi) cách 4 ngày một lần; tuổi 40 (40-49) cách 16 ngày một lần; tuổi 50 (50-59) cách 20 ngày một lần. Tuổi 60 nên ngừng, nhưng nếu vẫn còn mạnh khỏe có thẻ cách 30 ngày một lần. Những người tinh lực đầy đủ khác thường, không nhất thiết ức chế quá mức mà sinh ra các chứng ung thư (chữ ung thư trong sách cổ không cùng nghĩa ung thư hiện nay, mà có ý nghĩa sưng, tấy, viêm, đau kiểu ung nhọt).
Số lần sinh hoạt tình dục tùy theo tuổi và tình hình sức khỏe từng người do Tôn Tư Mạc đề xuất, được phần lớn các nhà dưỡng sinh đời sau tán thành. Nói chung, ở tuổi đang sung sức, mỗi tuần một hai lần nhập phòng, không ảnh hưởng đến sức khỏe, mà lại gây sảng khoái, có lợi cho đời sống. Khi tuổi càng cao, nên giảm bớt dần, và đến một độ tuổi nào nên ngừng hẳn. Tác giả còn nói thêm: số lần nhiều ít còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người, chủ yếu là buổi sáng hôm sau ngủ dậy, cảm thấy tinh thần sảng khoái, vui vẻ, muốn hoạt động thì được.
Tuy nhiên, trong sách cổ nói về thuật “phòng trung” còn ghi những nguyên tắc mà chúng tôi chép lại  đây để bạn đọc tham khảo.
Theo triết học phương Đông, con người và thiên nhiên là hợp nhất, cho nên nhịp điệu sinh hoạt tình dục phải phù hợp với sự biến đổi của khí hậu và thời tiết 4 mùa: mùa xuân - mùa hạ dương khí thăng phát phồn thịnh, mùa thu và mùa đông dương khí thu liễm (co lại) bế tàng. Sinh hoạt phòng trung của con người cũng nên thích ứng với nhịp độ đó. Ví dụ từ xuân đến hạ thì nhịp độ tăng lên, sang thu thì giảm bớt và vào mùa đông thì ngừng hẳn để bảo tàng chân khí. Trong khi đó ở nước ta, thu đông là mùa cưới xin, thì nên áp dụng hạ hai, thu một, đông nghỉ… ra sao?
Thuật phòng trung của y học phương Đông còn khuyên tránh sinh hoạt tình dục vào những ngày xấu trời: mưa to gió lớn, giông bão, động đất,… vì môi trường đang đột biến, thì trạng thái cơ thể cũng đang phải biến động để thích nghi, thì khi ấy không nên làm cho tinh khí xuất tiết, có bảo tồn tinh lực thì chân khí mới khỏi bị hao tổn. Các nhà nghiên cứu về thời sinh học trong những năm gần đây cũng khẳng định tính đúng đắn của những lời căn dặn đó.

Đỗ Tất Lợi (CTQ số 102)

Nguồn: báo điện tử Cây thuốc quý

2 nhận xét: