Ảnh có tính minh họa
Nhưng người ta vẫn thích nghịch tăm sau khi ăn như một thói quen đầy ngoan cố. Hơn thế, như một thứ bệnh nghiện hết thuốc chữa.
Tôi đã thử truy tìm nguồn gốc, ngõ hầu lý giải cho "hành vi" này, nhưng sách vở đành bất lực. Tôi đem vấn đề trao đổi với một số chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa và ghi nhận được một số kiến giải khả dĩ ở góc độ căn nguyên, động cơ của hành vi.
Có người quan tâm đến văn hóa dân gian, cho rằng đời sống văn hóa làng xã trong quá khứ của người Việt quanh năm vần xoay trong lễ lạc cúng quảy. Hết thảy những câu chuyện làng nước, tương tác được đàm đạo quanh mâm rượu thịt đề huề, nên ngậm tăm là cung cách để giữ hình ảnh (thể diện) vệ sinh trong giao tiếp trên mâm cỗ. Ngậm tăm, về mặt biểu tượng cũng thể hiện sự no đủ, hay dấu chỉ cho người đối diện thấy mình mới dùng bữa xong. Có một câu chuyện người ta hay kể trên bàn nhậu, rằng xưa có một anh nông dân bần cùng thế nhưng ưa sĩ diện, lúc nào cũng ngậm tăm tỏ ra ta đây no đủ. Một hôm người ta phát hiện anh ta chết vì đói quá nuốt phải cây tăm.
Một chuyên gia khác lại cho rằng, chuyện xỉa răng là hậu quả của việc bỏ tục ăn trầu nhuộm răng của phụ nữ xưa. Người ta thay trầu bằng một que tăm, ngoài việc làm sạch miệng thì cũng đỡ thừa thãi hai tay và đỡ buồn miệng. Trong khi đó, một chuyên gia quan tâm đến nha khoa và nhân trắc học thì cho rằng, sự vụ này có liên quan đến đặc thù phát triển về khung hàm, sự bố trí răng của người Việt: do dùng chất xơ, thức ăn sống, thói quen thích nhai nghiền phần thịt xương, nên hầu hết người Việt đến tuổi trưởng thành thì khoảng cách giữa các chân răng có xu thế thưa ra, dễ gây chứng mảng bám, hôi răng nên xỉa răng bằng tăm tre là một thói quen hợp vệ sinh đối với nhiều người.
Mỗi chuyên gia có một trường quan tâm thì sẽ lấy "chuyên ngành" của mình ra mà tha hồ giải mã. Mỗi một cách lý giải đều có sự thú vị của nó.
Song tôi lại muốn "bẻ lái" câu chuyện sang một hướng khác, khi quan sát việc "thực hành" xỉa răng và ngậm tăm không chỉ diễn ra như một lý do giữ vệ sinh răng miệng sau khi ăn, mà còn là một căn bệnh nghiện. Hãy thử quan sát, trên thực tế, đâu chỉ có người có răng thích ngậm tăm sau khi ăn, mà đến những cụ già không còn răng cỏ, trệu trạo nướu trơn không bỏ được thói quen ngậm (nghịch) tăm trên miệng, vừa nói vừa chìa mũi tre nhọn bén vào mặt người đối diện, thậm chí, đâu phải người mới dùng bữa mới ngậm tăm, hãy xem một số cô cậu thanh lịch, đặc biệt ở Hà Nội, rất tự tin ngậm cây tăm trên miệng lái xe tay ga dạo phố hoặc bước vào siêu thị dù bữa ăn chính đã xong trước đó vài giờ đồng hồ.
Với người này, cây tăm chỉ có thể là ngậm chơi, nhưng với người kia, cây tăm được lừa đi lừa lại, cắn gãy khúc, nhai giập, làm biến dạng trước khi chu môi máng chặt, vận khí từ trong khoang miệng, bắn một phát vô hướng vào khoảng không.
Ngạc nhiên quá xá trước thói quen ngậm tăm của người Việt, cây bút Drew Taylor, sau nhiều năm sống ở Việt Nam, đã mô tả thật hài hước: "Xỉa răng quá nhiều! Sau bữa ăn, thể nào cũng thấy mọi người chuyền tay nhau ống tăm xỉa răng. Người cần cũng xỉa, mà người không cần cũng xỉa! Và từ không-cần-cũng-xỉa lại sinh ra cần-phải-xỉa (vì ghiền hoặc vì kẽ hở giữa răng đã rộng ra mất rồi!). Đành rằng xỉa răng vì nhu cầu vệ sinh, nhưng nhiều người sau khi xỉa xong đồ dơ trên răng rồi lại bắt đầu nhai cây tăm - chính cái nhai ấy mới là hành động thừa gây nghiện. Người ta có thể ngồi xe máy mà cây tăm vẫn còn máng ở một bên mép; có thể vừa nói chuyện vừa gặm tăm..." (Phân tâm học Freud: "Miễn vui là được rồi!", Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, số 168/2010). Anh Tây này tự hỏi không biết Freud sống lại ở Việt Nam thì ngành phân tâm học của ông ta sẽ ra sao.
Thực ra, nhìn bệnh nghiện ngậm tăm dưới ánh sáng phân tâm học cũng có nhiều điều thú vị. Freud cho rằng, có bốn giai đoạn phát triển cơ bản về tâm lý tiền sinh dục với một đứa trẻ: giai đoạn miệng (oral stage), giai đoạn hậu môn (anal stage), giai đoạn cơ quan sinh dục (phallic stage) và sau đó bước sang thời kỳ phát triển ngấm ngầm (latency period). Đáng chú ý, ở giai đoạn miệng, đứa trẻ sơ sinh tìm thấy khoái cảm, cảm nhận tình yêu trong việc bú sữa. Trong giai đoạn này, theo Freud, nếu đứa trẻ dễ được mẹ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng qua việc bú mớm, thì nó sẽ có một nhân cách dễ bị lệ thuộc ở tuổi trưởng thành; ngược lại, nếu không được mẹ đáp ứng, thiếu sự chăm sóc, thì ở tuổi trưởng thành, nó sẽ trở nên chìm đắm trong bất an, lo lắng, thất vọng. Đây gọi là tâm lý "cắm chốt" (oral fixation) - những ẩn ức chuyển hóa thành hành động vô thức có nguồn gốc từ những kích động tâm lý ở giai đoạn lỗ miệng.
Như vậy, nếu lý giải theo thuyết này của cha đẻ phân tâm học, thì sẽ thấy rằng, việc ngậm tăm xuất phát từ truyền thống văn hóa cưng chiều bảo bọc con cái trong thời bú mớm của những bà mẹ Việt Nam đã vô tình "cài đặt" một thói quen thỏa mãn khoái cảm vùng miệng rất lạ lụng khi những đứa trẻ trưởng thành, mà có khi chính chúng cũng không ý thức rõ ràng về cái "đường dây dẫn dắt" thói quen đó. Cũng có lý, khi mà nhiều gia đình hôm nay xem việc một đứa trẻ tự bưng lấy chén cơm ăn, tự dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn là một hành vi không cần bắt chước đơn thuần, mà được coi là có khả năng tự chăm sóc bản thân thay vì đeo đẳng đòi vú mẹ.
Tuy nhiên, điều lý thú là ở chỗ, thói quen hay bệnh ghiền ngậm tăm của người Việt lại đưa đến một hình ảnh mang tính ẩn dụ, biểu lộ một thái độ sống, phương cách hành xử: "ngậm tăm" cho qua chuyện. Ngâm tăm trong trường ẩn dụ, được trang Xa lộ từ điển trên mạng định nghĩa là: biết đấy nhưng phải lặng im (To know it but forced to keep silence).
Làm sao để có thể giải mã điều này? Đến lúc cần phải dông dài viện dẫn đến lịch sử văn hóa người Việt, một lịch sử đối diện với quá nhiều bất trắc, khó khăn triền miên. Trong đời sống được đan cài đa tuyến, phức tạp đó, việc con người, từ dân đen đến kẻ quyền lực, hình thành cái phản xạ sinh tồn là nương tựa làng nước, tập thể đồng thời cũng luôn trong tình trạng thường trực đề phòng. Sự "ngậm tăm" kia cũng đến từ việc thiếu sự bình đẳng, sự minh bạch. Nhưng điều đáng nói, từ những nguyên nhân khách quan trên, "ngậm tăm" đi vào vô thức cộng đồng, nó trở thành một tập tính, quy định phương thức hành xử, lựa chọn thái độ sống tự thân của từng thành viên xã hội.
Ở đây, có một khía cạnh khác, đáng nói, đó là "ngậm tăm" không những lặng im che giấu cái biết, sự thật để cầu an, mà đôi khi, việc "ngậm tăm" cố tình làm cho tiếng nói của mình bị méo mó, đánh lạc hướng, làm nhiễu sự thật còn là một tình trạng đáng sợ hơn.
Từ cái nguyên lý "oral fixation" có thể thấy rộng ra, sự thích được dựa dẫm, bảo hộ, mất tự chủ, thiếu vắng ý thức trả giá cho ngôn luận cá nhân, không khí nghi kị lẫn nhau đã làm cho hiện tượng tính cách "ngậm tăm" trong cộng đồng có xu hướng phổ biến. (Gần đây, trên Facebook, xuất hiện một hội nhóm giễu nhại, có tên "hội những người thích ngậm tăm" với slogan "Đơn giản là thích ngậm tăm! Ngậm tăm mọi lúc mọi nơi!’. Những cá nhân nương náu vào tập thể, đam đông để "ai sao mình vậy", dễ dàng xuê xoa nhắm mắt làm ngơ cho qua mọi thứ theo tinh thần "im miệng cho nó lành" đã đưa đến tình trạng "ngậm tăm" như một sự thỏa hiệp, cam chịu. Trong lớp học, trên giảng đường, học sinh, sinh viên không buồn trao đổi, đặt câu hỏi, phản biện để truy cầu đến cùng những hiểu biết; trò phải nương theo thầy để được "qua truông". Trong cơ quan, lính thấy cái sai của sếp, sếp biết thói hư của lính nhưng lại "ngậm tăm" bao che, bắt tay nhau trong một "liên minh ma quỷ", bảo toàn sức mạnh chống cự trước các bè phái khác ngừng đấu đá. Ngoài xã hội, người ta dễ dàng lảng tránh trách nhiệm chứng nhân cho lẽ phải, sự thật để được yên thân với ý nghĩ, đó không phải là việc của mình. Trong gia đình, mọi thứ tuân thủ theo một thứ bậc truyền thống trên bảo dưới nghe, thiếu sự dân chủ cần thiết để các thành viên tôn trọng lẫn nhau với tư cách những cá nhân bình đẳng.
"Ngậm tăm" còn là sự dung túng, che đậy cho cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ và chống lại sự minh bạch cần thiết trong các mối quan hệ, tổ chức quản lý xã hội, làm cho đời sống được vận hành trong sự nhập nhèm, nhiều bất trắc, đầy ma mị và nghi hoặc.
Im lặng là vàng. Nhưng im lặng theo lối "ngậm tăm" cũng là thứ vàng giả, gây nhiễu, đánh lận mọi giá trị. Khi mà việc "thực hành ngậm tăm" trở thành một chứng nghiện được "nâng quan diểm" thành một tính cách văn hóa của cộng đồng thì tiếng nói đúng đắn, sự thật tiến bộ là những thứ bị vùi lấp không thương xót.
Theo Vĩnh Nguyên - Thời báo Kinh tế Sài Gòn