Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng Tử bảo: “Các
anh cho rằng ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày(1) mà ngại,
nhưng đừng ngại gì cả! Ở nhà các anh thường nói: Chẳng ai biết ta. Nếu có người
biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng? Tử Lộ vội vàng đáp: “Ví như một nước
có một ngàn cỗ xe(2), bị ép giữa hai nước
lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ. Do (Tử Lộ họ Trọng
tên Do. Tử Lộ là Tự) tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến
cho dân chúng dũng cảm mà biết đạo lý nữa. Khổng Tử mỉm cười. Rồi hỏi: Cầu (Tức
Nhiễm hữu), còn anh thì sao? Đáp: “Như có một nước vuông vức, sáu bảy chục dặm
hoặc năm sáu chục dặm(3), Cầu tôi cầm quyền
nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về Lễ Nhạc
thì xin đợi bậc quân tử. Xích (Tức Công Tây Hoa) còn anh thì thế nào: Đáp: Về Lễ
Nhạc tôi không phải là giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu hoặc
trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ chương
phủ mà xin làm một tên tiểu tướng(4)”. Điểm (Tức Tăng
Tích) còn anh thì thế nào? Lúc đó Tăng Tích gảy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống
- keng! Mà đứng dậy đáp: Chí của tôi khác hẳn với ba anh đó. Khổng Tử bảo: “Hại
gì? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi”. Thưa: “Như bây giờ là tháng cuối
xuân, y phục mùa xuân đã may xong(5), năm sáu người vừa
tuổi đôi mươi(6) cùng với sáu
bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi, rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu(7) vừa đi vừa
hát kéo nhau về nhà”. Khổng Tử trầm ngâm một chút rồi than: “Ta cũng muốn như
Điểm vậy”.
----------
----------
(1) Lời nói nhũn. Trong số môn đệ đó, Tăng Tích (cha Tăng Sâm) chắc không nhỏ tuổi hơn Khổng Tử bao nhiêu.
(2) Tức một nước chư hầu trung bình không vào hạng nhỏ.
(3) Tức một nước chư hầu nhỏ.
(4) Một chức quan nhỏ coi việc lễ.
(5) Nguyên văn: Ký thành. Có sách giảng là “Đã mặc xong”.
(6) Nguyên văn: Quán giả, nghĩa là người đã làm lễ đội mũ (Lễ gia quan): Thanh niên tới 20 tuổi thì làm lễ đó.
(7) Sông Nghi ở nước Lỗ. Vũ Vu là một cái đàn để tế, cao, trống, mát mẻ.