Tề Uy Vương mời Thuần Vu Khôn cho
uống rượu, hỏi:
-Tiên sinh uống được bao nhiêu rượu
thì say ?
Khôn đáp:
-Thần uống một
đấu cũng say, một hộc(1) cũng say.
Uy Vương nói:
-Tiên sinh uống
một đấu đã say thì uống thế nào được một hộc? Tiên sinh có thể cho biết
tại sao lại nói như vậy không?
Khôn nói:
-Nếu cho rượu uống
trước mặt đại vương, có quan chấp pháp đứng bên cạnh, quan ngự sử (2)
nấp sau lưng thì Khôn sợ hãi cúi đầu mà uống, chỉ mới một đấu đã say. Nếu cha mẹ
có khách quý, Khôn vén áo khom lưng hầu rượu ở trước mặt, thỉnh thoảng ban cho
mấy giọt rượu thừa, lại phải bưng chén rượu chúc thọ, phải đứng lên hầu rượu
luôn, như thế chỉ mới hai đấu đã say. Còn như bè bạn chơi bời lâu ngày không gặp
nhau, bỗng nhiên gặp gỡ, mừng rỡ kể chuyện cũ, đem chuyện riêng ra nói cùng
nhau, như thế uống được năm sáu đấu là say. Nhưng nếu như ngày hội ở nhà quê,
trai gái ngồi lẫn lộn, mời rượu dằng dai, đánh bạc, ném hồ, kéo nhau tụm năm tụm
ba, nắm tay nhau cũng không ai phạt, mắt nhìn nhau cũng không ai cấm. Đằng trước
có cái hoa tai đánh rơi, đằng sau có cái trâm bị bỏ sót, Khôn trộm lấy thế làm
vui, có thể uống tám đấu cũng chỉ say hai phần. Khi trời chiều việc vãn, dồn
chén ngồi kề, gái trai cùng chiếu, giày dép lẫn lộn, chén bàn bừa bãi, trên thềm
tắt đuốc, chủ nhân giữ Khôn ở lại mà tiễn khách ra, áo là cởi bỏ, thoáng thấy
mùi hương phưng phức. Trong lúc bấy giờ lòng Khôn rất vui, có thể uống được một
hộc. Vì vậy nói rượu quá hóa loạn, vui quá hóa buồn, muôn việc đều thế. Mọi việc
đều không thể quá. Hễ quá thì hỏng.
Vua Tề nói:
-Hay.
Bèn bãi bỏ việc
uống rượu suốt đêm.
Sử ký – Tư Mã Thiên
-----------
(1) Một
hộc bằng mười đấu
(2) Chấp
pháp và ngự sử đều là những quan coi về nghi lễ