(Trích Hoàng lê nhất thống chí)
Bắc bình vương
Nguyễn Huệ từ mùa hè năm ngoái ra Thăng Long giết viên chủ tướng tiết chế là Võ
Văn Nhậm, rồi thay đổi quan quân, chỉnh đốn công việc, chuyển giao cho các viên
đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hầu Phan Văn Lân, chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, đô đốc Nguyễn
Văn Tuyết, thị lang bộ Hộ Trần Thuận Ngôn, thị lang bộ Lại Ngô Thì Nhậm cùng giữ
thành Thăng Long. Lúc sắp lên đường về Nam, Huệ mở tiệc họp đông đủ mọi người,
rồi nói:
-Sở và Lân là
nanh vuốt của ta; Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta; Tuyết là cháu của ta; còn Nhậm
thì vừa là bề tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo
việc đời. Nay ta giao cho các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt(1).
Những việc quan trọng trong nước, đều cho tuỳ tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau họp
bàn ổn thoả, chớ vì kẻ cũ người mới xa cách nhau. Ai nấy phải đồng lòng hiệp sức,
lo chung công việc để xứng đáng với sự trông mong của ta. Các ngươi hãy cố gắng
nữa lên!
Mọi người đều đứng
dậy lạy tạ và xin vâng mệnh. Sau đó, Bắc bình vương chọn ngày lên đường về Nam.
Từ khi ấy, trên rừng dưới biển hễ có ai dám ngang ngạnh, Sở chỉ cần sai một
viên tỳ tướng đi đánh là dẹp tan được ngay. Các phủ huyện có đệ án kiện, giấy tờ
lên thì Sở cứ theo việc mà xử, không để ứ đọng. Trong những ngày rỗi, Sở thường
cưỡi ngựa qua các đường phố để mua vui, tự cho rằng ở Bắc Hà không còn việc gì
khó.
Một hôm, mọi
người cùng họp nhau ăn uống ở nhà hiệp nghị, Sở bảo Lân và Tuyết rằng:
- Chúa công đem cả thành lớn giao phó cho ta,
cũng ví như sai người cắt áo gấm mà chưa thể tin là có biết cách cầm kéo hay
không. Các ông thấy việc đó ra sao? Giả sử có Tề thiên đại thánh từ trên trời
rơi xuống hay Diêm vương từ dưới đất lên, ta cũng chỉ quét một lưới là hết. Huống
chi cái lũ tẹp nhẹp, chẳng qua chỉ để người ta thử xem gươm có sắc hay không,
chứ làm được trò trống gì?
Rồi Sở ngoảnh lại
bảo Ngô Thì Nhậm rằng:
- Quan thị lang
thật giỏi về nghề văn học, còn việc cung kiếm có thông thạo gì không?
Nhậm nói:
- Có văn tất phải
có võ, văn võ không phải chia làm hai đường. Nhưng người xưa dùng binh, gặp việc
thì lo sao ngài lại lấy việc binh làm trò chơi mà coi thường như thế? Tôi trộm
nghe bọn người nước ta chạy sang bên Trung Hoa, trong đó có nhiều người định
xúi họ mở mang bờ cõi, gây ra binh biến. Ngài chịu sự ký thác ở cõi ngoài, e rằng
không khỏi một phen bạc đầu vì lo lắng, đến lúc ấy ngài nên nhớ đến lời nói của
tôi.
Sở cười và nói:
- Lúc ấy sẽ phiền ông làm một bài thơ để lui
quân giặc. Nếu không làm được như thế, thì túi dao bao kiếm chính là phận sự của
kẻ võ thần, can gì phải quá lo?
Chẳng bao lâu,
nghe tin báo ở ngoài biên ải đưa về. Sở rất kinh sợ, tức thì hội họp các quan
văn võ cũ của nhà Lê, mượn tiếng Sùng nhượng công Duy Cận coi việc nước, làm một
bức thư đứng tên Duy Cận; lại giả danh các hào mục lập một tờ trạng suy tôn Duy
Cận làm giám quốc; rồi sai bọn quan văn là Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm, Võ Huy
Tấn, bọn quan võ là Nguyễn Đình Khoan, Lê Duy Chử, Nguyễn Đăng Đàn đem bức thư
và tờ bẩm tới cửa ải để xin hoãn binh. Một mặt, Sở họp với bọn Văn Lân bàn việc
đánh giữ. Chưởng phủ là Nguyễn Văn Dụng nói:
- Trộm nghe hồi
cuối đời Trần, người Minh sang lấn nước ta, có bọn Hoàng Phúc, Trương Phụ, Mộc
Thạnh, Liễu Thăng đều là những tướng kiệt hiệt của Trung Quốc. Bấy giờ vua Lê
Thái Tổ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, thế lực không địch nổi họ. Nhưng hành binh
theo cách quỷ quyệt, lại hay dùng mưu mẹo khôn ngoan; rồi nhờ khéo dùng cách
mai phục, nhân lúc quân giặc không phòng bị mà đánh úp; cho nên có thể lấy ít
quân mà đánh được kẻ nhiều quân, vây Vương Thông ở bến Đông Bộ, giết Liễu Thăng
ở núi Mã Yên (2) võ công tuyệt lạ, ngàn thủa ngợi khen. Nay người
Thanh ở xa đến đây, phải trèo đèo vượt suối, ta lấy quân nghỉ ngơi mà đón đánh
quân nhọc mệt, nhắm trước các nơi xung yếu, cho quân nấp sẵn để chờ; cứ làm
theo kế ấy, lo gì mà không thắng?
Thì Nhậm nói:
- Không phải thế!
Ông chỉ biết một mà chưa biết hai. Việc thiên hạ, tình tuy giống nhau mà thế có
khác nhau, sự đắc thất do đó cũng khác hẳn. Xưa kia, nước ta bị phụ thuộc vào
Trung Quốc, quân Minh buông tuồng làm điều tàn bạo. Người cả nước ai cũng muốn đuổi
chúng đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng là xa gần hưởng ứng, hào kiệt
trong nước kéo đến như mây tụ. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ
lo quân mình bất lợi. Mỗi khi có tin thắng trận, ai nấy đều hết sức vui mừng.
Lòng người như thế, nên hễ chỗ nào có quân mình mai phục, thì người ta đều giấu
kín cho, khiến giặc không hề biết. Sở dĩ thắng được giặc, đều bởi cớ ấy. Ngày
nay, những người bề tôi trốn tránh của nhà Lê, đâu đâu cũng có nghe tin quân
Thanh sang cứu, họ đều nghển cổ mà trông. Sĩ dân cả nước, giành nhau mà đón
chúng. Quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít,
quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng. Chúng sẽ nhân kế của ta mà lập
kế của chúng, rồi bốn mặt kéo đến vây bắt. Quân cơ đã bị tiết lộ, tự nhiên mất
hết điều tiện lợi. ấy là mình tự hãm mình vào chỗ chết. Còn hòng đánh úp được
ai? Binh pháp có nói: "Khéo che đậy không khi nào không thắng, vụng che đậy
không khi nào không thua". Được thua khác nhau là do ở chỗ xưa với nay
khác nhau vậy!
Sở hỏi:
- Vậy thì nên
làm thế nào?
Nhậm trả lời:
- Phép dụng
binh chỉ có một đánh một giữ mà thôi. Nay quân Thanh sang đây, tiếng tăm rất lớn.
Những kẻ trong nước làm nội ứng cho chúng, phần nhiều là phao tin đồn nhảm, làm
cho thanh thế của chúng to thêm, để cho lòng người sợ hãi lay động. Quân ta có
ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà
thuộc vào sổ quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là bỏ trốn liền. Đem đội quân ấy mà đánh,
không khác gì xua bầy dê đi chọi cọp dữ, không thua sao được? Đến như việc đóng
cửa thành mà cố thủ, thì lòng người đã không vững, ắt thế nào cũng sinh ra mối
lo ở bên trong. Dầu cho Tôn, Ngô (3) sống lại, cũng phải bó tay,
không thể làm được gì. Thật chẳng khác gì đem một con chạch bỏ giỏ cua. Xin
nghĩ kỹ mà xem! Đánh đã chẳng ñược, giữ cũng không vững. Vậy thì cả hai chước đánh
và giữ đều không phải là kế hay. Nghĩ cho cùng thì chỉ còn một cách này: sơm sớm
truyền cho thuỷ quân chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm, ra thẳng
cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng. Quân bộ thì sửa soạn khí giới, gióng trống
lên đường, lui về giữ núi Tam Điệp. Hai mặt thuỷ bộ liên lạc với nhau, giữ lấy
chỗ hiểm yếu, rồi cho người chạy giấy về bẩm với chúa công. Thử xem quân Thanh đến
thành, khu xử việc nhà Lê ra sao? Vua Chiêu thống sau khi phục quốc, xếp đặt việc
quân việc nước thế nào? Chờ chúa công ra, bấy giờ sẽ quyết chiến một phen cũng
chưa muộn gì.
Sở nói:
- Chúa công về
Nam, đem thành này giao phó cho ta. Giặc đến thì phải sống chết với giặc, còn mất
với thành, trên không thẹn là kẻ bề tôi giữ đất, dưới không phụ chức trách cầm
quân. Nếu mới thấy bóng giặc đã trốn, bỏ thành cho giặc, chẳng những mang tội với
chúa công mà người Bắc còn coi ta ra cái gì?
Nhậm nói:
- Tướng giỏi thời
xưa, lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành ñộng, tuỳ theo
tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua
người một nước, sau mới được người ta một nước; đừng có đem nước sau làm nước
trước, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không
bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc
bích của nước Tấn đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì. Nếu có vì thế mà mắc
lỗi, tôi sẽ xin bộc bạch với chúa công, thế nào cũng được chúa công lượng xét,
xin ông chớ nghi ngại.
Sở bèn nghe
theo.
…..
Ngô Văn Sở sau khi đem các đạo quân rút lui, tức tốc sai Nguyễn
Văn Tuyết chạy trạm vào Nam cáo cấp. Một mặt chặn ngang đất Trường Yên làm giới
hạn, đóng thuỷ quân ở hải phận Biện Sơn, quân bộ thì chia giữ vùng núi Tam
Điệp, hai mặt thuỷ bộ liên lạc với nhau, ngăn hẳn miền Nam với miền Bắc. Vì
thế, việc ở bốn trấn đường ngoài không hề thấu đến hai xứ Thanh, Nghệ. Vì vậy
việc quân Thanh đến Thăng Long và việc vua Lê thụ phong ngày 22 tháng 11, từ
Thanh Hóa trở vào, không một người nào được biết. Ngày 20 tháng ấy, Sở lui về
Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân. Bắc bình vương tiếp được
tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.
Nhưng các người đến họp đều nói:
- Chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, đối với ngôi chí
tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang
đánh, càng dễ sinh ra ngờ vực hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu,
ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người rồi
sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn.
Bắc bình vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân (4),
tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi
hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm
đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25
tháng chạp năm Mậu thân (1788).
……….
Khi đến núi Tam Điệp, Sở và Lân ra đón, đều mang gươm trên lưng mà
xin chịu tội.
Vua Quang Trung nói:
- Các ngươi đem thân thờ ta, đã làm đến chức tướng soái. Ta giao
cho toàn hạt cả 11 thừa tuyên (5), lại cho tuỳ tiện làm việc. Vậy mà
giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe tiếng đã chạy trước. Binh pháp dạy
rằng: "Quân thua chém tướng". Tội của các ngươi đều đáng chết một vạn
lần. Song ta nghĩ các ngươi đều là hạng võ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, đến
như việc tuỳ cơ ứng biến thì không có tài. Cho nên, ta để Ngô Thì Nhậm ở lại
đấy làm việc với các ngươi, chính là lo về điều đó. Bắc Hà mới yên, lòng người
chưa phục, Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt, không có sông núi để nương
tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi, đó
là chứng cớ rõ ràng. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang,
người trong kinh kỳ làm nội ứng cho chúng, thì các người làm sao mà cử động
được? Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các
nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc
kiêu căng, kế ấy là rất đúng. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là do Ngô Thì Nhậm
chủ mưu, sau hỏi Văn Tuyết thì quả đúng như vậy...
Thì Nhậm bèn lạy hai lạy để tạ ơn.
----------------
(1) thời
Lê, Bắc Hà gồm 11 trấn. Về sau, Quang Trung có chia lại.
(2) Bến Đông Bộ tức bến Đông Tân ở khúc sông Nhĩ
Hà, Hà Nội. Núi Mã Yên ở xã Mai sao thuộc huyện Ôn Châu, Lạng Sơn.
(3) Tôn Võ, người nước Tề đời Xuân Thu, Ngô Khởi người nước Vệ đời Chiến quốc; hai nhà
quân sự nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa.
(4) ở địa phận xã An
Cựu, huyện Hương Trà, Thừa Thiên (Bình Trị Thiên)
(5) Từ thời Lê Hồng Đức, các trấn ở Bắc Hà đều gọi là "thừa tuyên"
(5) Từ thời Lê Hồng Đức, các trấn ở Bắc Hà đều gọi là "thừa tuyên"