Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

KHEN

 

Khen là món quà tinh thần rất ý nghĩa tặng cho người được khen. Nhưng khen thế nào cho tốt, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ khen con.

Các cha/mẹ thường thích khen con mình thông minh nhưng không biết rằng khen thông minh không quý bằng khen nỗ lực. Bởi thông minh là cái vốn trời cho, cái không phải ai cũng có, cái ngoài mình, không phụ thuộc vào ý chí của mình. Còn nỗ lực là xuất phát từ bên trong mình, thuộc quyền chủ động của mình, ai cũng có thể nỗ lực nếu muốn.

Mình chia sẻ câu chuyện mới nghe được về khen thế này.

Tại một trường Đại học ở Mỹ (ĐH Stanford) người ta làm một thí nghiệm với một nhóm học sinh như sau: Cho nhóm làm một bài tập tương đối dễ. Sau khi thu bài và chấm xong họ chia số học sinh này thành hai nhóm. Ở nhóm thứ nhất người ta khen các em thông minh. Ở nhóm thứ hai người ta khen các em nỗ lực. Sau đó tiếp tục đề nghị các em làm bài tập với câu hỏi: Các em thích ra đề loại dễ hay khó? ở nhóm được khen thông minh các em đều chọn ra đề loại dễ, ngược ở nhóm được khen nỗ lực các em đều chọn ra đề loại khó. Khi tiếp tục ra đề cho các em làm (cùng một đề) thì ở “nhóm thông minh” số em làm đúng ít hơn ở “nhóm nỗ lực”.

Thông tin trên mình lấy từ cuốn sách dưới đây:



Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Đọc Tam quốc: VIÊN THIỆU VÀ TRẬN QUAN ĐỘ.

 

Truyện Tam quốc dù đã lâu rồi nhưng đọc nó vẫn đầy hứng thú. Trong   pho sách đồ sộ ấy, lẩy ra vài đoạn để ngắm nghía lại càng thích hơn. Bài viết này mỗ tôi xin nói về trận Quan Độ lừng lẫy, tư liệu đều từ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ.

Trận Quan Độ giữa hai địch thủ Viên Thiệu, Tào Tháo là một ví dụ kinh điển về vai trò người chỉ huy. Viên Thiệu, kẻ đứng đầu tập đoàn quân Hà Bắc là một lực lượng đông đảo về quân, dồi dào về lương. Trong khi đó Tào Tháo là một lực lượng mới nổi hãy còn mỏng manh mọi mặt. Trong trận Quan Độ, đội quân của Thiệu gấp 10 đội quân của Tháo về số lượng mà kết cục cho Thiệu thật bi thảm. Hơn bảy chục vạn quân lúc ra đi chỉ còn hơn tám trăm người trở về (ôi cái thảm họa núi xương sông máu mới kinh hãi làm sao).

Mở đầu câu chuyện ta đã thấy một Viên Thiệu nhỏ nhen hẹp hòi, đa nghi, hiếu sát. Liên tục từ miệng Viên Thiệu phát ra những câu với quân tướng  dưới quyền là giết, bỏ tù, bắt giam vào ngục.

Khi sắp đi trận, Điền Phong (đang ở trong tù) dâng thư can. Thiệu giận muốn chém Điền Phong. Thư Thụ bày mưu, dâng kế Thiệu giận mắng rồi đem giam Thư Thụ để “khi trở về trị tội cùng với Điền Phong một thể”.

Hàn Mãnh thua trận mất hết quân lương Thiệu đòi đem chém. Ừ thì quân thua chém tướng vốn là lẽ xưa nay nhưng hẳn trong chuyện này phải có gì đây chứ. Nếu không sao các tướng lại xúm nhau xin tha tội cho Hàn Mãnh. Chả thấy nói Thiệu xem xét chi chuyện này mà chỉ thấy nói “đòi chém”. Đến khi mắng chửi và đuổi việc Hứa Du thì đã đến mức giọt nước tràn ly rồi.

Hứa Du, tự Tử Viễn lúc nhỏ vốn là bạn Tào Tháo, giờ theo làm mưu sĩ cho Viên Thiệu. Du bàn với Thiệu nên nhân lúc Tào Tháo đang ở Quan Độ chia một cánh quân về đánh úp Hứa Xương. Lời bàn kể không có gì là vô lý. Vậy mà Viên Thiệu đã nổi khùng đuổi Hứa Du.

Chưa hết, Thiệu còn “có công” nạp cho Tào Tháo 2 tướng dưới quyền là Trương Cáp và Cao Lãm. Số là Viên Thiệu dùng kế của Quách Đồ sai Trương Cáp, Cao Lãm đem quân cướp trại Tào nhưng thất bại. Quách Đồ sợ việc hỏng do mình bèn nói lời gièm pha với Thiệu. Rồi lại gặp Trương Cáp, Cao Lãm để đe dọa. Kết quả hai tướng này đã bỏ sang hàng Tào. Đến khi thua trận trở về với một bộ mặt tả tơi rách nát Thiệu vẫn còn cố nghe lời gièm của Phùng Kỷ để chém đầu Điền Phong.

Đối lập với Viên Thiệu là một Tào Tháo kiên cường, bản lĩnh. Dù quân rất mỏng, lương rất ít nhưng ý chí thì rất quật cường. Khi lương đã cạn hoàn toàn Tháo vẫn tươi cười đón Hứa Du và tự tin khoe rằng: lương còn đủ dùng một năm. Đến khi thắng trận bắt được thùng thư trong trại quân Viên Thiệu bỏ lại. Mở thùng thư mới hay có rất nhiều thuộc hạ của Tháo đã viết thư cho Thiệu hứa hẹn đón tiếp khi Thiệu thắng trận. Tướng quân Tào Tháo đã cho đốt thùng thư phi tang bởi như Tào Tháo nói: “Đang lúc Thiệu mạnh, chính ta cũng chưa chắc giữ nổi thân mình huống chi người khác”.

Cái gì đến sẽ đến, một kết cục đau đớn đã dành cho Viên Thiệu. Sau trận Quan Độ thì tập đoàn họ Viên nhanh chóng tan bọt nước. Chỉ thương cho nhiều thân phận tài năng mưu lược mà chọn nhầm minh chủ.

Trước khi chết Điền Phong than: “Làm thân đại trượng phu sống trong trời đất không biết kén chúa mà thờ, thật là ngu dốt, ngày nay chịu chết còn thương tiếc làm chi”.

Người sau có thơ rằng:

Lần trước thua quân mất Thư Thụ

Hôm nay trong ngục giết Điền Phong

Cột rường Hà Bắc đều long gãy

Viên Thiệu hòng sao khỏi bại vong!




Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

SUY NGHĨ VỀ MỘT CÂU TRÍCH IN TRÊN LỊCH

 



Một buổi sáng xé tờ lịch bỗng đọc được câu mà người làm lịch nói là của thầy Mạnh Tử. Đó là câu “không bằng người mà không xấu hổ thì bằng người làm sao được”. Câu nói cứ bám riết trong đầu, cứ khiến phải suy tư.

Thầy Mạnh Tử là vị á Thánh của đạo Nho. Đạo Nho với ông tổ là thầy Khổng Tử, người được suy tôn bằng nhiều danh hiệu. Bậc Thánh, ông thầy của muôn đời, đức giáo chủ của đạo Nho.

Đạo Nho vốn có từ trước Khổng Tử. Đến thầy Khổng là tập hợp lại, hệ thống hóa,  làm cho nó trở thành một học thuyết như một thứ tôn giáo,  gọi là Nho giáo. Lý tưởng của đạo Nho là xây dựng một xã hội hài hòa. Người theo Nho thực hiện tu thân, sửa đức, bồi dưỡng văn tài. Học theo Nho trước để giúp cho mình thành người có đức. Khi đủ đức và gặp thời thì ra làm quan để giúp đời, cứu dân, xây dựng xã hội cho quy củ, nề nếp. Tương truyền thầy Khổng có ba nghìn học trò làm thành một cộng đồng đủ màu sắc. Từ người giàu có và làm quan to trong triều như ông Tử Cống đến người nghèo như thầy Nhan Hồi, một nắm cơm, một bầu nước, đêm ngủ thì co tay làm gối. Có người ưa thanh nhàn như thầy Tăng Sâm. Chủ trương của thầy Khổng là trọng đạo lý. Thầy nói: Giàu có mà bất nghĩa ta xem như mây nổi. Lại khuyên người ta: Giàu mà ham lễ, nghèo mà vui, ấy là hạng người tốt. Đức Thánh Khổng rất quí trọng thầy Nhan Hồi. Thầy Khổng khen họ Nhan: Thật là kẻ sĩ quân tử.

Thầy Mạnh Tử sinh sau Đức Khổng tử 150 năm, được đạo Nho tôn là Á Thánh. Thầy Mạnh chủ trương coi trọng việc nghĩa. Thầy đặc biệt đả phá lối hành xử lấy lợi làm đầu. Theo thầy Mạnh, nếu lấy lợi mà mê hoặc lòng người thì xã hội sẽ sinh rối loạn. Người trên hám lợi tất bòn rút của người dưới, người dưới hám lợi tất lừa dối người trên.

Như vậy người học theo Nho cốt đạt được tài năng, đức độ. Người ta thi đua nhau ở chỗ tu thân. So sánh hơn kém là ở chỗ thực hành đạo lý. Xem thế thì thấy câu nói “không bằng người mà không xấu hổ thì bằng người làm sao được” là để giúp mỗi người ra công, gắng sức trên đường tu tập.

Người nước ta xưa đều học theo đạo Nho. Từ khi nước ta thuộc Pháp thì đạo Nho cứ suy lần, cùng với trào lưu trên thế giới. Điều này được phản ánh rõ nét nhất trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên với những câu như:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài đường mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ.”

Khoa thi chữ Hán cuối cùng đánh dấu chấm hết cho nền cựu học là vào năm 1919.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, rồi ba mươi năm đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước đến sau bảy lăm (1975) thì văn hóa nước ta rẽ sang một hướng mới. Lại đến khi công cuộc đổi mới, 1986, với kinh tế thị trường định hướng XHCN thì sự biến đổi đã rất là sâu sắc.

Nhiều năm gần đây báo chí liên tục phản ánh tình trạng xuống cấp của văn hóa. Rồi các loại tệ nạn từ buôn thần bán thánh đến buôn quan bán chức. Từ tham ô, tham nhũng đến lừa đảo ở khắp mọi nơi. Rồi bằng cấp giả. Rồi nạn đạo văn. Người người nhà nhà như muốn xông lên kiếm tiền bằng mọi giá. Giá trị vật chất lên ngôi. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa, lối sống đã trở nên phổ biến. Năm 2020, một cựu quan chức ngành giáo dục đã làm dư luận dậy sóng khi phát biểu trước tòa “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”[*]   

Trong bối cảnh ấy mà dẫn lời thầy Mạnh rằng “không bằng người mà không xấu hổ thì bằng người làm sao được” thì có khác nào kích thích lòng tham của chúng sinh hơn nữa.

Nên chăng những người làm văn hóa cần cân nhắc kỹ càng kẻo lại hại cho văn hóa.

Tân Phú, 02-3-2022

   Hà Thanh Liêm

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

MÓN KHAI VỊ

 

Có một bạn kể rằng hồi đi học phổ thông bạn ấy được học một thầy rất thú vị. Mỗi đầu buổi học thầy thường dẫn dắt cả lớp bằng những câu chuyện hấp dẫn cho các trò mê đi rồi mới vào bài giảng chính. Hồi ấy mình đã nghĩ: một tiết dạy 45 phút mà phải làm cho trò mê đi rồi mới giảng bài chính thì còn được mấy thời gian cho bài học.

Nhưng bây giờ thì mình phải nghĩ khác rồi. Không thể gieo trồng hạt giống trên một bãi đất rắn đanh hay um tùm cỏ dại. Trước khi gieo hạt anh phải cuốc cày, xới vun mới đảm bảo hạt gieo xuống được nảy mầm. Khi các trò chưa sẵn sàng nghe mà mình cố bắt chúng phải nghe thì công mình thành công cốc.

Dưới đây mình kể mấy câu chuyện để các thầy làm món khai vị bày ra cho  trò vào mỗi đầu giờ học.

*

*    *

 Các bạn đi học có bao giờ các bạn cắt nghĩa tên các môn học chưa? Tên gọi bao giờ cũng thể hiện một nội dung đằng sau nó. Ví như môn toán là nói về sự tính toán, môn hóa là nói về sự biến hóa của các chất, môn lý là nói về cái lý của sự vật. Có bạn nào cắt nghĩa được tại sao tai ta lại nghe được âm thanh không?

(Nếu có em nào nói được thì thầy nên cho bạn ấy nói. Nếu không ai nói được thì thầy giảng giải. Có thể đưa thêm một vài yêu cầu nữa. Ví dụ chứng minh sự tồn tại của không khí. Tại sao nước ở bể nấu rượu lại nóng trên, lạnh  dưới hay tại sao các hồ ao ở xứ lạnh về mùa đông nước lại ko bị đóng băng tới đáy.

Chú ý rằng đây là thầy toán, hoặc hóa nói chuyện lý. Phải như thế thì trò mới thích)

Nói chung-thầy tiếp- khi cắt nghĩa sự vật mình phải biết cho tường tận thì mới nói. Nếu biết nửa vời thì nên im kẻo lại giống câu chuyện sau đây.

Chuyện rằng:

Có một ông bố vợ một hôm cùng hai chàng rể đi chơi. Một chàng hay nói chữ một chàng dáng vẻ nông dân chuyện gì cũng chỉ một gióng. Trên đường đi thấy một con ngỗng kêu rất to. Chàng hay nói chữ bảo “tràng cảnh tắc đại thanh”. Chàng kia bảo “trời sinh ra thế”.

Tới một chỗ khác thấy con vịt bơi trên hồ, chàng hay chữ bảo “đa mao thiểu nhục tắc phù”. Chàng nông dân bảo “trời sinh ra thế”.

Lại tới một chỗ thấy hòn đá có vết nẻ to, chàng hay chữ bảo “phi nhân đả tắc thiên đả”. Chàng nông dân bảo “trời sinh ra thế”.

Ông bố vợ xem chừng thích chàng rể hay chữ mà ngầm xem thường chàng nông dân. Chàng kia tức lắm. Đến một chỗ ngồi nghỉ chàng ta mới hỏi

-Hồi nãy anh nói như vậy nghĩa là thế nào?

Chàng hay chữ giảng giải:

-"Tràng cảnh tắc đại thanh" nghĩa là cổ dài tất kêu to. "Đa mao thiểu nhục tắc phù" nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi. Còn "phi nhân đả tắc thiên đả" nghĩa là không người đánh thì trời đánh.

Anh chàng nông dân mới phản công:

-Anh bảo cổ dài kêu to. Thế con ễnh ương thì cổ dài đâu sao nó vẫn kêu to. Còn nhiều lông ít thịt thì nổi mà con ễnh ương chả có tí lông nào vẫn nổi đó thôi. Anh lại bảo hòn đá nứt là không trời đánh thì người đánh. Thế cái L. mẹ anh ai đánh mà cũng nứt như thế.

Bấy giờ ông bố vợ mới mỉm cười thầm nghĩ: À, hóa ra dốt đặc hơn khá lỏng.