Một buổi sáng
xé tờ lịch bỗng đọc được câu mà người làm lịch nói là của thầy Mạnh Tử. Đó là
câu “không bằng người mà không xấu hổ thì bằng người làm sao được”. Câu nói cứ
bám riết trong đầu, cứ khiến phải suy tư.
Thầy Mạnh Tử là
vị á Thánh của đạo Nho. Đạo Nho với ông tổ là thầy Khổng Tử, người được suy tôn
bằng nhiều danh hiệu. Bậc Thánh, ông thầy của muôn đời, đức giáo chủ của đạo
Nho.
Đạo Nho vốn có
từ trước Khổng Tử. Đến thầy Khổng là tập hợp lại, hệ thống hóa, làm cho nó trở thành một học thuyết như một
thứ tôn giáo, gọi là Nho giáo. Lý tưởng
của đạo Nho là xây dựng một xã hội hài hòa. Người theo Nho thực hiện tu thân, sửa
đức, bồi dưỡng văn tài. Học theo Nho trước để giúp cho mình thành người có đức.
Khi đủ đức và gặp thời thì ra làm quan để giúp đời, cứu dân, xây dựng xã hội
cho quy củ, nề nếp. Tương truyền thầy Khổng có ba nghìn học trò làm thành một cộng
đồng đủ màu sắc. Từ người giàu có và làm quan to trong triều như ông Tử Cống đến
người nghèo như thầy Nhan Hồi, một nắm cơm, một bầu nước, đêm ngủ thì co tay
làm gối. Có người ưa thanh nhàn như thầy Tăng Sâm. Chủ trương của thầy Khổng là
trọng đạo lý. Thầy nói: Giàu có mà bất
nghĩa ta xem như mây nổi. Lại khuyên người ta: Giàu mà ham lễ, nghèo mà vui, ấy là hạng người tốt. Đức Thánh Khổng
rất quí trọng thầy Nhan Hồi. Thầy Khổng khen họ Nhan: Thật là kẻ sĩ quân tử.
Thầy Mạnh Tử
sinh sau Đức Khổng tử 150 năm, được đạo Nho tôn là Á Thánh. Thầy Mạnh chủ
trương coi trọng việc nghĩa. Thầy đặc biệt đả phá lối hành xử lấy lợi làm đầu.
Theo thầy Mạnh, nếu lấy lợi mà mê hoặc lòng người thì xã hội sẽ sinh rối loạn.
Người trên hám lợi tất bòn rút của người dưới, người dưới hám lợi tất lừa dối
người trên.
Như vậy người học
theo Nho cốt đạt được tài năng, đức độ. Người ta thi đua nhau ở chỗ tu thân. So
sánh hơn kém là ở chỗ thực hành đạo lý. Xem thế thì thấy câu nói “không bằng người mà không xấu hổ thì bằng
người làm sao được” là để giúp mỗi người ra công, gắng sức trên đường tu tập.
Người nước ta
xưa đều học theo đạo Nho. Từ khi nước ta thuộc Pháp thì đạo Nho cứ suy lần,
cùng với trào lưu trên thế giới. Điều này được phản ánh rõ nét nhất trong bài
thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên với những câu như:
“Ông đồ vẫn ngồi
đấy
Qua đường không
ai hay
Lá vàng rơi
trên giấy
Ngoài đường mưa
bụi bay
Năm nay đào lại
nở
Không thấy ông
đồ xưa
Những người
muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây
giờ.”
Khoa thi chữ
Hán cuối cùng đánh dấu chấm hết cho nền cựu học là vào năm 1919.
Từ sau Cách mạng
tháng Tám, rồi ba mươi năm đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước đến sau
bảy lăm (1975) thì văn hóa nước ta rẽ sang một hướng mới. Lại đến khi công cuộc
đổi mới, 1986, với kinh tế thị trường định hướng XHCN thì sự biến đổi đã rất là
sâu sắc.
Nhiều năm gần
đây báo chí liên tục phản ánh tình trạng xuống cấp của văn hóa. Rồi các loại tệ
nạn từ buôn thần bán thánh đến buôn quan bán chức. Từ tham ô, tham nhũng đến lừa
đảo ở khắp mọi nơi. Rồi bằng cấp giả. Rồi nạn đạo văn. Người người nhà nhà như
muốn xông lên kiếm tiền bằng mọi giá. Giá trị vật chất lên ngôi. Hiện tượng lệch
chuẩn trong văn hóa, lối sống đã trở nên phổ biến. Năm 2020, một cựu quan chức
ngành giáo dục đã làm dư luận dậy sóng khi phát biểu trước tòa “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”[*]
Trong bối cảnh ấy
mà dẫn lời thầy Mạnh rằng “không bằng người
mà không xấu hổ thì bằng người làm sao được” thì có khác nào kích thích
lòng tham của chúng sinh hơn nữa.
Nên chăng những
người làm văn hóa cần cân nhắc kỹ càng kẻo lại hại cho văn hóa.
Tân Phú, 02-3-2022
Hà
Thanh Liêm