Truyện Tam quốc
dù đã lâu rồi nhưng đọc nó vẫn đầy hứng thú. Trong pho
sách đồ sộ ấy, lẩy ra vài đoạn để ngắm nghía lại càng thích hơn. Bài viết này mỗ
tôi xin nói về trận Quan Độ lừng lẫy, tư liệu đều từ truyện “Tam quốc diễn
nghĩa” của La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính Bùi Kỷ.
Trận Quan Độ giữa
hai địch thủ Viên Thiệu, Tào Tháo là một ví dụ kinh điển về vai trò người chỉ
huy. Viên Thiệu, kẻ đứng đầu tập đoàn quân Hà Bắc là một lực lượng đông đảo về
quân, dồi dào về lương. Trong khi đó Tào Tháo là một lực lượng mới nổi hãy còn
mỏng manh mọi mặt. Trong trận Quan Độ, đội quân của Thiệu gấp 10 đội quân của
Tháo về số lượng mà kết cục cho Thiệu thật bi thảm. Hơn bảy chục vạn quân lúc
ra đi chỉ còn hơn tám trăm người trở về (ôi cái thảm họa núi xương sông máu mới
kinh hãi làm sao).
Mở đầu câu chuyện
ta đã thấy một Viên Thiệu nhỏ nhen hẹp hòi, đa nghi, hiếu sát. Liên tục từ miệng
Viên Thiệu phát ra những câu với quân tướng dưới quyền là giết, bỏ tù, bắt giam vào ngục.
Khi sắp đi trận,
Điền Phong (đang ở trong tù) dâng thư can. Thiệu giận muốn chém Điền Phong. Thư
Thụ bày mưu, dâng kế Thiệu giận mắng rồi đem giam Thư Thụ để “khi trở về trị tội
cùng với Điền Phong một thể”.
Hàn Mãnh thua
trận mất hết quân lương Thiệu đòi đem chém. Ừ thì quân thua chém tướng vốn là lẽ
xưa nay nhưng hẳn trong chuyện này phải có gì đây chứ. Nếu không sao các tướng
lại xúm nhau xin tha tội cho Hàn Mãnh. Chả thấy nói Thiệu xem xét chi chuyện
này mà chỉ thấy nói “đòi chém”. Đến khi mắng chửi và đuổi việc Hứa Du thì đã đến
mức giọt nước tràn ly rồi.
Hứa Du, tự Tử
Viễn lúc nhỏ vốn là bạn Tào Tháo, giờ theo làm mưu sĩ cho Viên Thiệu. Du bàn với
Thiệu nên nhân lúc Tào Tháo đang ở Quan Độ chia một cánh quân về đánh úp Hứa
Xương. Lời bàn kể không có gì là vô lý. Vậy mà Viên Thiệu đã nổi khùng đuổi Hứa
Du.
Chưa hết, Thiệu
còn “có công” nạp cho Tào Tháo 2 tướng dưới quyền là Trương Cáp và Cao Lãm. Số
là Viên Thiệu dùng kế của Quách Đồ sai Trương Cáp, Cao Lãm đem quân cướp trại
Tào nhưng thất bại. Quách Đồ sợ việc hỏng do mình bèn nói lời gièm pha với Thiệu.
Rồi lại gặp Trương Cáp, Cao Lãm để đe dọa. Kết quả hai tướng này đã bỏ sang
hàng Tào. Đến khi thua trận trở về với một bộ mặt tả tơi rách nát Thiệu vẫn còn
cố nghe lời gièm của Phùng Kỷ để chém đầu Điền Phong.
Đối lập với
Viên Thiệu là một Tào Tháo kiên cường, bản lĩnh. Dù quân rất mỏng, lương rất ít
nhưng ý chí thì rất quật cường. Khi lương đã cạn hoàn toàn Tháo vẫn tươi cười
đón Hứa Du và tự tin khoe rằng: lương còn đủ dùng một năm. Đến khi thắng trận bắt
được thùng thư trong trại quân Viên Thiệu bỏ lại. Mở thùng thư mới hay có rất
nhiều thuộc hạ của Tháo đã viết thư cho Thiệu hứa hẹn đón tiếp khi Thiệu thắng trận.
Tướng quân Tào Tháo đã cho đốt thùng thư phi tang bởi như Tào Tháo nói: “Đang
lúc Thiệu mạnh, chính ta cũng chưa chắc giữ nổi thân mình huống chi người khác”.
Cái gì đến sẽ đến,
một kết cục đau đớn đã dành cho Viên Thiệu. Sau trận Quan Độ thì tập đoàn họ
Viên nhanh chóng tan bọt nước. Chỉ thương cho nhiều thân phận tài năng mưu lược
mà chọn nhầm minh chủ.
Trước khi chết
Điền Phong than: “Làm thân đại trượng phu sống trong trời đất không biết kén
chúa mà thờ, thật là ngu dốt, ngày nay chịu chết còn thương tiếc làm chi”.
Người sau có
thơ rằng:
Lần trước thua
quân mất Thư Thụ
Hôm nay trong
ngục giết Điền Phong
Cột rường Hà Bắc
đều long gãy
Viên Thiệu hòng
sao khỏi bại vong!