Trước hết cần giải rõ thế nào là xưa, nay.
Xưa, tức là
cái thời các cụ ta còn chia dân thành bốn loại (tứ hàng dân) là Sỹ, Nông, Công,
Thương. Dân làm thương nghiệp bị xếp vào hạng bét, thường vẫn được gọi là con
buôn. Ông đồ (thầy giáo) ông cống thuộc hàng kẻ sỹ, tức là đứng đầu trong tứ
hàng dân. Người đi học vẫn phải nộp học phí nhưng gọi là lễ. Đem dâng lễ thầy để
xin học. Thầy còn đứng trên cả cha mẹ, chỉ sau có vua. Tức là cái thứ tự quân –
sư – phụ.
Vào thời đó
sách quý hơn vàng. Thầy phải đem bán sách là quá khốn cùng. Có câu chuyện
Trương Lương được sách hết sức ly kỳ.
Trương Lương
là danh thần giúp vua Cao Tổ nhà Hán là Lưu Bang làm nên đế nghiệp. Thủa nhỏ có
lần đi chơi Trương Lương gặp một cụ giá quắc thước. Cụ thấy Trương Lương khôi
ngô, dĩnh ngộ thì lấy làm yêu. Để thử
lòng Trương Lương cụ vờ đánh rơi dép xuống cầu rồi sai cậu xuống nhặt. Cụ lại
làm rơi dép lần nữa, rồi lần nữa là rơi gậy. Cứ thế ba lần cụ sai Lương nhặt
Lương đều ngoan ngoãn vâng lời. Cụ khen: trẻ này dạy được. Rồi cụ hẹn Trương
Lương canh tư ngày mai đến chỗ ấy, chỗ ấy “ta sẽ tặng cho cuốn sách”.
Hôm sau
Trương Lương đến nơi đúng hẹn đã thấy cụ già ngồi đấy. Cụ mắng: Hẹn với người
già mà đến muộn thế là không tốt. Rồi cụ cho chuộc lỗi bằng việc hẹn vào canh
tư hôm tiếp.
Hôm ấy Trương
Lương đi thật sớm. Đến chỗ hẹn mới canh hai nhưng đã thấy cụ ở đó rồi. Thế là lại
bị mắng. Rồi cụ là cho cơ hội sửa sai.
Lần này
Trương Lương không ngủ. Sau bữa tối chàng đến ngồi sẵn ở chỗ hẹn. Chừng độ canh
hai đã thấy cụ già từ xa đi lại, trên tay phất phơ chiếc quạt. Gặp Trương Lương
cụ tươi cười trao sách rồi dặn rằng: “Sau này con đi qua chân núi Cốc Thành thấy
hòn đá màu vàng thì chính là ta đó”.
Trương Lương
được sách chăm chỉ học hành trở nên tài giỏi. Ông đã giúp Lưu Bang trở thành
Hán Cao tổ. Cơ nghiệp nhà Hán truyền nối hơn bốn trăm năm. Lại nói Trương Lương
trong một lần đi qua chân núi Cốc Thành thấy hòn đá màu vàng đúng như
lời thầy dặn. Ông nhặt hòn đã này về kê làm cái gối đầu.
Chuyện sách
xưa thiêng liêng thế đấy.
Về người nước
ta từ sau cách mạng thì chẳng còn ai nhắc gì tới chữ sỹ nữa. Giai cấp công nhân
trở thành tiên tiến. Nhưng người buôn thì vẫn bị coi thường. Từ “con buôn” còn
đó. Lại thêm tiếng gọi “con phe”, dân “phe phẩy”. Chuyện này còn cho mãi đến
trước năm tám sáu (1986). Từ năm tám sáu bắt đầu kinh tế thị trường. Mọi ngành
nghề đều bình đẳng. Chuyện bán buôn phổ cập khắp mọi nhà. Bây giờ sách là hàng
hóa. Bán sách là quảng bá văn hóa đọc. Người bán sách là người truyền lửa, ngọn
lửa đam mê tình yêu tri thức.
Trở lại những
năm tám mươi của thế kỷ trước. Cái đói đã khiến các ông thầy phải làm tất cả mọi
việc để trang trải chuyện áo cơm. Nhà thơ Nguyễn Thái Vận đã viết bài thơ đầy
xúc cảm:
GẶP THẦY GIÁO
CŨ ĐI BÁN SÁCH CŨ.
Phút thầy trò vừa chợt nhận ra nhau
Trên tay thầy tuột rơi chồng sách cũ
Giữa quán sách nghèo bán mua lặng lẽ
Mười năm xa gặp lại sững sờ.
Tôi
nhận ra từng trang sách ngày thơ
Thời gian khổ cùng Những người khốn khổ
Những Dot-stoi, Ep-xki chừng không hiểu rõ
Vì sao thầy tôi đưa họ đến đây.
Tuổi
trẻ tôi khao khát tràn đầy
Theo trang sách đến những bờ bến lạ
Thầy như con ong cần cù hút nhụy
Lọc sách ra thành lời giảng say sưa.
Sách với thầy là báu vật trong nhà
Bìa quăn mép thầy đưa tay vuốt lại
Mỗi nét in sai có nét chữa của thầy.
Kho
báu đời thầy có thể sẽ vơi
Vì sách cứ thành mớ rau hạt gạo
Tôi cúi nhặt giùm thầy đôi tay nặng trĩu
Không dám hỏi đầu chỉ lặng lẽ nhìn thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét